Các cách chế biến món ăn cùng Bánh Tráng Đại Lộc – Kini

Nói đến các món ăn đặc sản tại xứ Quảng, hẳn chẳng có ai lại không biết đến Bánh Tráng Đại Lộc – Kini. Món ăn này từ lâu đã trở thành thức quà dân dã, thân tình của người dân nơi đây. Người Đại Lộc quý nhau không tặng rượu ngoại, bánh hộp, họ tặng nhau vài cân bánh tráng làm quà. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, những người đi xa trở về, bánh tráng thịt heo sẽ là món ăn được dọn ra chiêu đãi. Nếu bạn không phải là người con xứ Quảng nhưng lỡ trót yêu món ăn đặc biệt này thì cũng đừng lo, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết nhất cách ăn bánh tráng Đại Lộc nhé!

1. Bánh tráng cuốn thịt heo

Nguyên liệu:

  • 1 xấp tráng phơi sương.
  • 400g thịt ba chỉ.
  • 1 chai mắm nêm nguyên chất.
  • 500 gr bánh phở.
  • 1 quả dứa, 1 quả dưa leo, 1 trái chuối xanh, vài quả khế.
  • 1 trái chanh, vài củ tỏi, vài trái ớt.
  • Các loại rau sống: Rau thơm, xà lách, tía tô, diếp cá…
  • Các loại gia vị (muối, đường, hạt nêm…).

Cách chế biến:

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, quy trình làm món bánh tráng cuốn thịt heo được thực hiện cụ thể qua 4 bước sau:

  • Bước 1: Rửa sạch thịt heo. Sau đó cho thịt vào nồi, cho thêm một chút muối, luộc với lửa nhỏ để thịt mềm. Khi thịt chín, vớt ra để nguội rồi cắt thành lát vừa ăn. Lát thịt được cắt lát phải đảm bảo phần thịt và phần mỡ xen kẽ nhau.
  • Bước 2: Đổ mắm nêm pha sẵn ra chén. Cho thêm tỏi, ớt, 1/4 quả dứa (đều đã được băm nhuyễn) theo tỉ lệ 1:1:1 cùng 2 muỗng cà phê nước cốt chanh và 2 muỗng cà phê đường. Trộn đều hỗn hợp. Việc bổ sung thêm những thành phần này sẽ giúp mắm nêm chuẩn vị Đà Nẵng hơn.
  • Bước 3: Rửa sạch phần rau củ quả đã chuẩn bị. Đối với củ và quả, cắt thành hình que dài để dễ cuốn vào bánh tráng.
  • Bước 4: Cho bánh phở, thịt, rau, bánh tráng ra từng đĩa riêng. Mắm nêm cũng múc sẵn ra chén.

2. Bánh tráng cuốn cá nục hấp

Nguyên liệu:

– Cá nục: 250 gr
– Bánh tráng dẻo (loại dùng để cuốn ăn sống)
– Bánh tráng nướng (bánh đa)
– Rau muống non, dưa leo
– Gia vị: nước mắm, mắm nêm, muối, bột ngọt, chanh, tỏi ớt…

Cách chế biến:

Bước 1:

– Cá nục mua về làm sạch vẩy, bỏ hết nội tạng và mang cá, dùng muối chà xát rồi rửa lại với nước sạch.

– Chọn rau muống nước tươi non, bỏ bớt phần lá giữ lại phần cọng và đọt non để cuốn bánh cho giòn. Các loại rau thơm, hành lá rửa sạch, ngâm cùng rau muống vào nước muối loãng 30 phút sau đó vớt ra vẩy ráo.

– Hành, tỏi bóc vỏ.

Bước 2:

– Giã nhuyễn 2 trái ớt sừng, 2 củ hành tím, 3 cái đầu hành lá.

– Sau đó cho vào cá 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê đường và hành ớt giã nhuyễn ở trên vào ướp 15 phút cho cá thấm gia vị.

– Lót vào xửng hấp cá 1 lớp lá chuối rồi xếp cá vào, để cá hấp được bóng đẹp thì trước khi hấp cá bạn cho vào 1 thìa canh dầu ăn.

– Sau đó để cá hấp cách thủy từ 15 -20 phút cho cá chín và thấm gia vị.

Bước 3:

Pha nước chấm: tùy theo khẩu vị và sở thích, bạn có thể ăn món này với nhiều loại nước chấm khác nhau.

– Nước chấm mắm nêm:

Pha hỗn hợp mắm thêm theo tỉ lệ: 2 thìa canh mắm nêm, 3 thìa canh dứa bằm, 2 thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, trộn đều để ướp cho dứa ngấm mắm nêm. Nếu ai ăn được cay thì thêm ớt băm nhỏ sẽ rất kích thích vị giác.

– Nước chấm tỏi ớt:

Cho vào cối: 1 củ tỏi, 3 trái ớt hiểm giã thật nhuyễn. Tiếp theo cho 1 thìa canh nước cốt chanh, 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cafe bột ngọt vào quấy thật đều. Nước mắm kẹo, chua cay mặn ngọt vừa ăn là được.

– Nước chấm cá hấp:

Dùng chính phần nước tiết ra từ cá, thêm chút chanh và tỏi ớt băm nhỏ, nêm nếm lại theo khẩu vị.